Chỉ trong 1 tháng đầu năm 2024, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã thu được gần 1,5 tỷ USD. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Tuy nhiên, 2023 lại là năm đầu tiên mặt hàng này của Việt Nam đúng top 5 trên thế giới.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong tháng 1 đầu năm 2024, thị trường phục hồi tốt và mặt hàng xuất khẩu cũng tăng đột biến. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về được 1,49 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng chính là mặt hàng duy nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng. Kết quả xuất khẩu của mặt hàng tiềm năng này chiếm 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp ở nước ta.
Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gỗ Việt đã có tín hiệu hồi phục từ những tháng cuối năm 2023. Cụ thể, trong bản tin thị trường Nông lâm thủy sản quý IV/2023, Bộ Công thương nhận định, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý IV/2023.
Mặc dù thu về gần 1,5 tỷ USD trong tháng đầu năm 2024, nhưng ngành gỗ của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững. Trong đó có rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu, quy định chống phá rừng của EU, yêu cầu sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp. Ngoài ra, xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển ra thông báo dừng vận chuyển hàng hoặc thay đổi lịch trình, khiến cước vận tải gia tăng…
Hiện nay, 4 thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gỗ Việt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2023, 4 thị trường này chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam.
Đặc biệt, việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ sang Mỹ được kỳ vọng là sẽ khôi phục đà tăng trưởng ổn định trong năm 2024. Theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), đồ nội thất được dự báo là nhóm ngành sẽ có sự cải thiện về doanh thu và cả sản lượng sản xuất. Theo khảo sát của ISM, đồ nội thất cũng là nhóm ngành dự kiến có mức chi tiêu vốn tăng lớn nhất trong năm 2024.
Trong các thị trường nhập khẩu, Việt Nam là quốc gia cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, chiếm 36,4% tổng trị giá nhập khẩu. Dù trong mấy tháng qua, tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam có giảm, nhưng mức giảm lại không đáng kể. Điều này cũng chứng tỏ mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta vẫn đang được nhiều người tiêu dùng ở Mỹ quan tâm.
Tín hiệu khả quan cho xuất khẩu gỗ Việt Nam năm 2024
Theo Bộ Công thương, dự báo kinh tế thế giới năm 2024 sẽ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức đến từ nhiều nguyên nhân như suy thoái kinh tế, xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị…
Thế nhưng, việc Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ngừng tăng lãi suất trong 3 kỳ điều chỉnh liên tiếp và phát đi dấu hiệu có thể sẽ giảm lãi suất trong năm 2024 nhằm thúc đẩy tăng tưởng. Điều này có thể sẽ tạo ra tác động dây chuyền buộc Ngân hàng Trung ương các nước sẽ đồng thuận giảm lãi suất. Đây sẽ tín hiệu tích cực giúp lấy lại đà tăng trưởng của các quốc gia, đồng thời sẽ gián tiếp tác động đến xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam vào các thị trường này, trong đó có Mỹ.
Để tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào Mỹ và các thị trường khác, Bộ Công thương đưa ra khuyến cáo rằng các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu và phát triển thị trường, đặc biệt cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa, nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thật và các quy định về phát triển bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp của Việt Nam còn phải đảm bảo việc chăm sốc khách hàng một cách có hiệu quả.
Trong năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của nước ta sẽ đạt 17,5 tỷ USD. Nếu chinh phục được mục tiêu này, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sẽ tăng 21% so với năm 2023.