Cuộc họp giao ban tháng 5 của Ban chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế, Bộ Ngoại giao nhằm triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, xuất khẩu lâm sản đang đối mặt với tình hình khó khăn. Ngành gỗ sử dụng trực tiếp 500.000 lao động, trong đó xuất khẩu đã tăng từ mức 7 tỷ USD năm 2017 lên mức 15 tỷ USD năm 2022 và đang đặt mục tiêu năm 2025 xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thì mức suy giảm còn lớn hơn rất nhiều.
“Báo cáo của IMF về các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sẽ giảm sút mạnh, như thị trường xuất khẩu châu Âu và Mỹ sẽ có mức giảm từ 17-22%. Đây là những con số rất đáng lo ngại với xuất khẩu của Việt Nam”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết.
Ngành gỗ mới đi bằng 1 chân
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, các đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đều nhấn mạnh rằng, tình hình đang rất khó khăn, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, thị trường bị thu hẹp, sản xuất đình đốn.
“Doanh nghiệp Việt rất yếu về công tác thị trường từ trước tới nay. Vì vậy, khi tình hình thị trường yếu đi là bộc lộ bất cập. Do chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa có thương hiệu mạnh nên việc phục hồi chậm hơn rõ ràng so với các nước”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nói.
Theo đó, ông Lập đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và thương hiệu của ngành gỗ Việt Nam ra thị trường thế giới. Về phía hiệp hội sẽ gửi thông tin cho các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước mà trọng tâm là Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á thông tin hội chợ đồ gỗ tại Việt Nam và thúc đẩy hội viện tham gia các hội chợ đồ gỗ ở các thị trường chính.
“Để thúc đẩy thị trường trong thời gian tới, đề nghị lãnh sự quán hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ tham gia sâu hơn vào thị trường bằng việc mở văn phòng đại diện, công ty, gian hàng, hội chợ để quảng bá sản phẩm, hình ảnh. Chúng ta mới đi được bằng 1 chân là “sản xuất” còn chân “thị trường” đang rất yếu”, ông Lập nói.
Trải qua giai đoạn khủng hoảng cho thấy, những doanh nghiệp, đặt biệt doanh nghiệp nước ngoài có hệ thống phân phối rộng lớn, có uy tín, hoạt động vẫn tốt, còn doanh nghiệp không có hệ thống phân phối ở các thị trường lớn thì thị phần ngày càng co giảm. Mục tiêu sắp tới của ngành gỗ là tham gia sâu hơn vào thị trường lớn thông qua mở gian hàng, kho hàng, công ty, văn phòng đại diện.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ đang đối diện ngày càng nhiều hơn với các vấn đề tranh chấp thương mại với thị trường Hàn Quốc và Mỹ. Hiện tại Mỹ, có 3 vụ kiện với Việt Nam thì mới giải quyết được 1, có vụ kéo dài tới 3 năm mà chưa có kết luận, điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Ông Lập đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước sở tại – cánh tay nối dài của doanh nghiệp hỗ trợ để giải quyết vụ kiện trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Gỗ Việt Nam sang EU chỉ tương đương 1% nhu cầu nhập khẩu
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại diện ngành gỗ Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ cho rằng, cần có đánh giá cụ thể và chính xác hơn về vấn đề suy giảm xuất khấu ngành gỗ thời gian gần đây, đặc biệt với thị trường EU.
Theo đó, các báo cáo cho thấy, xuất khẩu ngành gỗ có mức suy giảm từ 30-60% so với cùng kỳ năm 2022. Đa số các ý kiến cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ sự sụt giảm nhu cầu của một số thị trường chính như EU, Mỹ. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây của EU cho thấy, thị trường này đang phục hồi tốt. GDP của EU năm 2023 dự báo tăng trưởng 1% và năm tới là 1,7%, tiêu dùng cá nhân vẫn tăng trưởng, vấn đề khó khăn nhất là lạm phát cũng đang dần được kiểm soát, thấp hơn dự báo, hiện nay còn 8%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu EU năm 2022 tiếp tục tăng. Năm 2022 vẫn tăng khoảng 3%, tăng nhập khẩu khoảng 3.000 tỷ EURO/năm. “Vì vậy, cần đặt vấn đề ngược lại, tại sao kim ngạch xuất nhập khẩu của EU không giảm mà xuất khẩu của của chúng ta giảm? Có thể thị trường EU chỉ là một vấn đề, cần xem lại về khả năng cạnh tranh của Việt Nam và một vài yếu tố khác như Trung Quốc mở cửa”, Đại sứ nói.
Riêng với sản phẩm gỗ, ông Thảo cho biết, nhu cầu nhập khẩu của EU là rất lớn, như năm 2020 nhập khẩu gỗ của EU là 10,6 tỷ EURO, năm 2022 là 15,8 tỷ EURO. Nhu cầu nhập khẩu nội thất gỗ của EU năm 2022 cũng lên tới 36,2 tỷ EURO. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU lại rất thấp, chiếm chưa tới 1% nhu cầu, như năm 2020 xuất khẩu gỗ đạt 95 triệu EURO, năm 2022 là 175 triệu EURO.
Theo Đại sứ, toàn châu Á, chỉ có 4 nước có hiệp định thương mại tự do với EU, trong đó có Việt Nam nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lại chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này còn rất thấp.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khuyến cáo, cần nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề suy giảm xuất khẩu của ngành gỗ. Điều này là rất quan trọng để tìm ra đúng giải pháp.
Đưa ra khuyến nghị, vị này cho rằng, ngành gỗ Việt Nam cần phải đa dạng hoá sản phẩm. Đi cùng với chất lượng sản phẩm phải tăng trưởng về quy mô để đảm bảo ổn định nguồn cung cho thị trường – đây là yếu tố quan trọng với thị trường EU. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên có sự liên kết để có thể chiếm ưu thế trên thị trường về quy mô và chất lượng.
Cùng với đó, theo Đại sứ quảng bá sản phẩm là không thể thiếu. Đây là vấn đề chuyên ngành nên rất cần sự chủ động của các hiệp hội và doanh nghiệp để đề xuất các chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận thông tin thị trường.
Đánh giá về khó khăn trong xuất khẩu gỗ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Phó Đại sứ Hoàng Thị Thanh Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ nhấn mạnh, gỗ là 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 3 xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ sau Canada và Trung Quốc. Vì vậy, việc ngày càng gia tăng các vụ tranh chấp thương mại là không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra thương mại, đề nghị doanh nghiệp, hiệp hội cần hết sức hợp tác để cung cấp thông tin, điều này là quan trọng và cần thiết để đẩy nhanh quá trình và có một kết quả tốt hơn.
Thời gian gần đây xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ suy giảm (khoảng 30% so với cùng kỳ 2022), bà Nga cho rằng, sự suy giảm này nằm trong xu hướng chung của xuất khẩu sang Mỹ khi tiêu dùng thu hẹp, lạm phát tăng cao.
Bà Nga dự báo, nửa cuối năm 2023, nhu cầu của Mỹ có thể tăng lại nhưng cũng khó tăng mạnh do nền kinh tế này đang có nguy cơ suy thoái. Vì vậy, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có thể tiếp tục khó khăn.
Ngoài ra, Phó Đại sứ lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ cần tìm hiểu rất kỹ về chế độ, chính sách của nước sở tại, đặc biệt là chính sách với các nước mà Mỹ đang áp dụng lệnh trừng phạt.
Ông Đỗ Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, nhìn nhận khách quan thì trong 3 năm vừa qua, ngành gỗ đã tăng trưởng nóng, có phần vượt qua kỳ vọng và năng lực của doanh nghiệp. Vì vậy, năm 2023, khi một loạt các yếu tố tiêu cực như xung đột Nga- Ukraine, lạm phát tạo hệu ứng giảm cầu, ngành gỗ bắt đầu bộc lộ yếu tố chưa bền vững. Đặc biệt, vấn đề quan hệ với khách hàng tốt nhưng chưa đủ sâu dẫn tới khi có biến cố khách hàng sẽ rời bỏ doanh nghiệp Việt, điều này xuất phát từ yếu tố lòng tin, chăm sóc khách hàng, đến từ chính năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Về công nghệ, ông Hải cũng lưu ý, dù công nghệ ngành gỗ khá đơn giản nhưng đã có sự thay đổi. Trước đây, chúng ta tranh thủ dây chuyền từ Trung Quốc, Đài Loan nhưng hiện nay đã không còn đáp ứng chuỗi cung ứng mới. Vì vậy, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, trong 3 năm vừa rồi doanh nghiệp tăng trưởng, có tích luỹ, đây có thể là thời điểm cần tính toán để tái đầu tư.