Những tín hiệu lạc quan về xuất khẩu gỗ Việt Nam đang dần phục hồi mới chỉ là căn cứ vào các chỉ số lạm phát ở Mỹ, lượng tồn kho giảm. Còn thực tế thì doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng lớn.
Đó là những chia sẻ của các doanh nghiệp đặt ra khi xuất hiện thông tin hơn 300 doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ đến TP.HCM xúc tiến giao thương, tăng cường thu mua sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Việt Nam, tại Triển lãm VietnamWood 2023, ngày 20/9.
Xuất khẩu gỗ … đang phục hồi?
Theo số liệu báo cáo thống kê thì kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam liên tiếp tháng thứ 2 (tháng 7, 8/2023) đều đạt trên 1 tỉ USD, sau thời gian dài sụt giảm sâu, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.
Bên cạnh đó, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM – cho biết đã có một số tín hiệu được ghi nhận ở thị trường quốc tế cho ngành xuất khẩu gỗ. Cụ thể: lạm phát ở Mỹ đang giảm dần, chỉ số tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, hàng tồn kho nội thất giảm, ngành xây dựng đang trải qua sự gia tăng về cầu…
Còn ở tại Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết từ đầu quý 3/2023 tình hình xuất khẩu gỗ đã có những tín hiệu phục hồi khả quan. Tiếp nối tháng 7 đạt trên 1 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 tiếp tục đạt trên 1,1 tỉ USD sau thời gian dài sụt giảm.
Theo một số doanh nghiệp, các đơn hàng đã tăng trở lại mặc dù chưa dồn dập, thời gian đặt đơn hàng từ người mua quốc tế cũng khá sát chứ không dài hạn như trước. Song đây là sự hồi phục tích cực, các nhà sản xuất Việt Nam trong tâm thế sẵn sàng nhận đơn và duy trì sản xuất.
Liên quan tới những thông tin về tình hình xuất khẩu gỗ đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho rằng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến gỗ của Việt Nam theo thông lệ thì các đơn hàng sẽ bắt đầu tăng từ tháng 8, và sẽ tăng cao hơn so với các tháng trở về trước. Song, năm 2023 tín hiệu này có dấu hiệu ấm dần từ tháng 5 – 8/2023. Và mặc dù tỷ lệ tăng này chỉ ở con số 2- 3%, tức là chỉ tăng nhẹ so với giai đoạn 2019 – 2021. Song, dấu hiệu này cho thấy ngành gỗ sẽ vẫn tăng nhẹ từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Phương, hiện có một thách thức là một số doanh nghiệp đối tác ở nước ngoài vẫn còn lượng hàng tồn kho khá lớn, bên cạnh đó có một số doanh nghiệp bị phá sản nên một phần bị ảnh hưởng từ các đơn hàng. Do đó, dự báo cho thấy tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam có tín hiệu phục hồi khả quan và hy vọng bắt đầu khởi sắc từ quý I/2024.
>> Cần có chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ Việt Nam
… nhưng phải hết quý 2/2024…
Còn theo ông Lê Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Leglore, cho rằng: căn cứ từ thực tế, ở giai đoạn 2021 trở về trước, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể nói là bức tranh sáng đối với ngành gỗ. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây, lượng hàng hoá xuất khẩu bao gồm cả sản phẩm nội thất và ngoại thất đều giảm một cách rõ rệt. Trong đó, sản phẩm nội thất chiếm khoảng 90% kim ngạch và nội thất chiếm khoảng 10%, mặc dù hai dòng sản phẩm này có tính thời vụ khác nhau.
Chưa kể, cũng từ năm 2021 tới nay, bên cạnh việc các đơn hàng sụt giảm, không có đơn hàng đã khiến các doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng”, cho công nhân nghỉ việc, tạm dừng sản xuất và đóng cửa nhà máy thì đến nay vẫn chưa có tín hiệu rõ rệt nào. Và đây là một thực tế mà các doanh nghiệp đang phải chịu đựng.
Mặt khác, “bên cạnh những khó khăn vì không có đơn hàng thì một lượng tài chính khá lớn của doanh nghiệp của ngành gỗ vẫn đang bị “ngâm” tiền hoàn thuế GTGT lên tới hàng nghìn tỷ đồng suốt 2 năm qua là những con số “biết nói”. Nói như thế tức là để sẵn sàng cho một đơn hàng xuất khẩu thì các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam sẽ phải làm nhiều công đoạn chuẩn bị mới có thể quay trở lại sản xuất, như: tìm nguồn tài chính, lao động…. Nhưng hiện tại thì vẫn chưa có đơn hàng nên nếu nói ngành gỗ có tín hiệu khởi sắc vẫn chưa có gì là chắc chắn mà chỉ là hy vọng”, ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, chiếu theo thông lệ từ những năm 2021 trở về trước thì thời điểm tháng 8, 9, tháng 10 hàng năm, là khoàng thời gian mà các doanh nghiệp ngành gỗ đã đầy các đơn hàng và doanh nghiệp chỉ lo tập trung sản xuất để làm sao đảm bảo tiến độ hàng để giao cho khách hàng đúng theo hợp đồng. Tuy nhiên tới nay, mới chỉ có một số đối tác đặt vấn đề và dự kiến tháng 10 sang thăm nhà máy, tức là câu chuyện mới chỉ dừng lại ở việc sang tham và đàm phán chứ thực sự chưa có hợp đồng, đơn hàng.
Theo thông lệ thì khách hàng truyền thống sẽ báo trước, đặt nhà cung cấp làm mẫu, báo giá, sau đó mới đến kế hoạch cụ thể. Do đó, nếu ngành gỗ có dấu hiệu khởi khởi sắc thì việc khởi động lại đối với các sản phẩm trong nhà với sản lượng cũng chỉ khoảng 20-30%, và ngoài trời 10-15% so với giai đoạn 2019 – 2021. Như vậy có nghĩa là chỉ tăng nhẹ theo từng tháng. Và để đạt như kỳ vọng thì phải hết quí 2/2024 thị trường mới hồi phục, ông Mạnh nói.